Tóm tắt nội dung vụ án
D thành lập, quản lý và điều hành 03 công ty là Công ty Đại Bình An, Công ty Trường Phát và Công ty Đại Lộc.
Năm 2021, D thông đồng với Lê Hữu V1 (Giám đốc Ban quản lý dự án huyện T), với sự giúp sức của Tô Văn T1 (Giám đốc Công ty Đại Bình An) và Trần Ngọc H (nhân viên Công ty Đại Bình An), D đã chỉ đạo lập hồ sơ mời thầu; lập và nộp hồ sơ dự thầu; tổ chức mở thầu, chỉ đạo chấm thầu để bố trí cho Công ty Đại Bình An trúng thầu công trình Trưởng tiểu học Nguyễn Chí Thanh, vi phạm Luật đấu thầu, gây thiệt hại 244.592.276 đồng.
Năm 2020-2021, Nguyễn Văn V2 (nhân viên của Ban quản lý dự án thành phố H), với sự giúp sức của Nguyễn Văn T2, mượn pháp nhân của Công ty An Hải Minh lập hồ sơ tư vấn mời thầu, chấm thầu công trình Kẻ Cẩm Kim không đúng quy định, vi phạm Điều 89 của Luật đấu thầu, gây thiệt hại 213.482.000 đồng.
Năm 2021, V2 với sự giúp sức của D, T2 và H, mượn pháp nhân Công ty Trường Phát, lập hồ sơ mời thầu, chấm thầu công trình Kè Cửa Đại – Cẩm An không đúng quy định, vi phạm Điều 89 của Luật đấu thầu, gây thiệt hại 121.076.000 đồng.
Phạm Văn Đ (Giám đốc Ban quản lý dự án thành phố H, Tổ trưởng Tổ tư vẫn lựa chọn nhà thầu) thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, thực hiện không đúng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến không phát hiện việc V2 và đồng phạm vi phạm quy định về đấu thầu tại các công trình Kè Cẩm Kim và công trình Kè Cửa Đại – Cẩm An dẫn đến thiệt hại 334.558.000 đồng.
Quá trình giải quyết vụ án
Bản án hình sự sơ thẩm số 41/2023/HS-ST ngày 31/5/2023 của TAND cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo D 27 tháng tù, V2 24 tháng tù, V1 20 tháng tù, H 18 tháng tù; T2 15 tháng tù, T1 10 tháng 16 ngày tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; xử phạt bị cáo Đ 120.000.000 đồng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bản án còn tuyên “Cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định liên quan đến đấu thầu” đối với các bị cáo với thời hạn như sau: Bị cáo D 18 tháng sau khi chấp hành xong hình phạt tù; các bị cáo V2, V1, H và T2 12 tháng sau khi chấp hành xong hình phạt tù; các bị cáo T1, Đ 12 tháng sau khi chấp hành xong bản án.
Ngoài ra, bản án còn tuyên phần trách nhiệm dân sự; xử lý vật chứng, tải sản; án phí và quyền kháng cáo.
Trong thời hạn luật định, các bị cáo D, V1, T2 và H kháng cáo đề nghị xem xét lại hoàn cảnh phạm tội, vai trò, tính chất hành vi phạm tội; xác định thiệt hại trong vụ án; tình tiết định khung hình phạt và xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa bị cáo T2 bổ sung kháng cáo xin hưởng án treo. Bị cáo V2 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 325/2023/HS-PT ngày 13/9/2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, sửa bản án hình sự sơ thẩm, xử phạt bị cáo V2 18 tháng tù, H 12 tháng tù, D 10 tháng 24 ngày tù, V1 10 tháng 24 ngày tù, T2 15 tháng tù cho hưởng án treo; tuyên “Cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định liên quan đến đấu thầu” đối với các bị cáo với thời hạn như sau: Bị cáo D 18 tháng, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù; các bị cáo V2, V1, H và T1 12 tháng, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù; các bị cáo T2, Đ 12 tháng, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Những vấn đề về pháp lý
Bản án sơ thẩm xử phạt các bị cáo D, V2, V1, H; T2 và T1 về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; xử phạt bị cáo Đ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm đã quyết định về thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định đối với các bị cáo T1 và Đ 12 tháng sau khi chấp hành xong bản án là không đúng quy định.
Điều 41 Bộ luật Hình sự quy định: “Thời hạn cẩm là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo”.
Bị cáo T1 bị xử phạt tù có thời hạn, nên thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định đối với T1 là “kể từ ngày chấp hành xong hình phạt từ”. Bản án sơ thẩm tuyên “sau khi chấp hành xong bản án” là không đúng.
Bị cáo Đ bị xử phạt tiền, nên thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định đối với Đ là “kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Bản án sơ thẩm tuyên “sau khi chấp hành xong bản án” là không đúng. Đồng thời, Bản án không áp dụng Khoản 4 Điều 360 Bộ luật Hình sự nhưng vẫn áp dụng hình phạt bổ sung là có thiếu sót.
Mặc dù các bị cáo T1, Đ không kháng cáo, tuy nhiên, việc sửa nội dung này là cần thiết, có lợi cho các bị cáo, nên tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên đã đề nghị được Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận, áp dụng Khoản 3 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, sửa bản án sơ thẩm theo hướng xác định thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định đối với T1 là “kể từ ngày chấp hành xong hình phạt từ; đối với Đ là “kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật theo đúng quy định tại Điều 41 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bào chữa cho bị can bị cáo trong vụ án hình sự
- Quy định pháp luật về con trong thời kỳ hôn nhân
- Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
- Cá độ đá banh mùa World cup
- Công chức hải quan không kiểm tra thực tế hàng hóa gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước bị xử lý về tội gì?
- Áp dụng pháp luật không đúng vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”