Tư vấn thành lập doanh nghiệp

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng hỗ trợ pháp lý thành lập doanh nghiệp

Khi một tổ chức hoặc cá nhân quyết định thành lập doanh nghiệp thì việc trước tiên là cần lựa chọn một loại hình doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của mình và quy định của pháp luật. Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định bốn loại hình doanh nghiệp là: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Công ty cổ phần bao gồm cả công ty đại chúng và công ty đại chúng quy mô lớn (loại công ty cổ phần đã phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc niêm yết cổ phiếu hoặc có số lượng cổ đông và quy mô vốn lớn).

Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn loại hình doanh nghiệp. Tổ chức hoặc cá nhân quyết định thành lập doanh nghiệp cần cân nhắc các yếu tố này để hiểu vì sao lại nên chọn loại hình doanh nghiệp này mà không phải là loại hình doanh nghiệp khác, từ đó, quyết định loại hình doanh nghiệp phù hợp. Tám yếu tố chủ yếu thường được cân nhắc bao gồm:

  • Thủ tục và chi phí thành lập, vận hành doanh nghiệp;
    • Tư cách pháp nhân và trách nhiệm của chủ sở hữu doanh nghiệp;
    • Số lượng chủ sở hữu doanh nghiệp và tên doanh nghiệp;
    • Cơ cấu tổ chức quản lý;
    • Khả năng chuyển nhượng và bán doanh nghiệp;
    • Khả năng huy động vốn;
    • Nghĩa vụ công bố công khai thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp;
    • Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thủ tục, chi phí thành lập và vận hành doanh nghiệp

Khi bắt đầu lựa chọn loại hình doanh nghiệp, một trong những câu hỏi đầu tiên mà chủ sở hữu đặt ra là: Liệu thủ tục, chi phí thành lập và vận hành loại hình doanh nghiệp nào là đơn giản, đỡ tốn kém nhất? Trong phạm vi nguồn lực của chủ sở hữu và yêu cầu về phát triển doanh nghiệp trong tương lai, đâu là loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất mà không tốn thời gian, chi phí để thành lập, vận hành.

Không tính đến yếu tố nguồn vốn trong nước hay nước ngoài và chỉ xét về loại hình doanh nghiệp, hồ sơ xin thành lập và thủ tục thành lập các loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần không có sự khác biệt đáng kể. Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân chỉ cần gửi hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp cho cơ quan đăng ký kinh doanh để xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đối với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần thì trong hồ sơ đăng ký cần phải có thêm dự thảo Điều lệ công ty. Do vậy, không có sự khác biệt đáng kể về chi phí và thời gian để thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Tuy nhiên, thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần tương đối phức tạp hơn so với thành lập doanh nghiệp trong nước cùng hình thức, do vậy cũng tốn kém hơn. Việc chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty đại chúng phức tạp và tốn chi phí hơn so với thành lập các loại hình doanh nghiệp khác vì điều lệ công ty đại chúng tương đối phức tạp, phải tuân thủ các quy định riêng của pháp luật về chứng khoán và phải có thủ tục đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán nhà nước.

Chi phí quản lý doanh nghiệp, về cơ bản, phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức quản lý của từng loại hình. Một cách tương đối, có thể sắp xếp theo thứ tự như sau:

  • Doanh nghiệp tư nhân có cơ cấu tổ chức quản lý đơn giản nhất và chủ doanh nghiệp có thể tự mình quản lý doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, chi phí quản lý doanh nghiệp tư nhân ít tốn kém nhất;
  • Công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn có cơ cấu tổ chức quản lý phức tạp hơn doanh nghiệp tư nhân, về cơ bản bao gồm Hội đồng thành viên với công ty hợp danh và Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát với công ty trách nhiệm hữu hạn, nên tốn kém chi phí quản lý hơn so với doanh nghiệp tư nhân;
  • Công ty cổ phần có cơ cấu tổ chức phức tạp nhất, về cơ bản, bao gồm Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nên tốn kém chi phí quản lý hơn so với các loại hình doanh nghiệp kể trên. Chi phí tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, kể cả việc gửi thông báo mời họp và thuê địa điểm tổ chức họp, là một trong những chi phí quản lý khá tốn kém của công ty cổ phần;
  • Đặc biệt, công ty cổ phần là công ty đại chúng có chi phí quản lý tốn kém nhất. So với công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng, công ty đại chúng có thể có các chi phí phát sinh thêm liên quan đến: Chuẩn bị báo cáo tài chính hằng tháng, hằng quý và hằng năm và báo cáo tài chính hợp nhất trong trường hợp công ty đại chúng là công ty mẹ; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin thường xuyên và bất thường theo quy định của pháp luật về công ty đại chúng và thị trường chứng khoán; tuân thủ các quy định về quản trị nội bộ áp dụng riêng cho công ty đại chúng và các quy định về niêm yết áp dụng riêng cho công ty niêm yết.