Tranh chấp sau ly hôn nhà đất được cho tặng trong thời kỳ hôn nhân

Tranh chấp sau ly hôn nhà đất được cho tặng trong thời kỳ hôn nhân

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án tranh chấp tài sản sau ly hôn

Nội dung vụ án tranh chấp tài sản sau ly hôn

Ông Nguyễn Văn Đ và bà Chu Thị Hồng T kết hôn năm 2001 và ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn số 368/2018/QĐST-HNGĐ ngày 17/7/2018 của TAND thành phố T. Theo Quyết định này, mỗi người nuôi dưỡng 01 con chung, không ai cấp dưỡng nuôi con; về tài sản chung: Không yêu cầu Toà án giải quyết.

Ngày 19/10/2021, bà T có đơn khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung sau khi ô ly hôn đối với lô đất rẫy diện tích 12.300m toạ lạc tại xã HLX, thành phố T, tỉnh ĐL. Bà T cho rằng mẹ ông Đ tặng cho 02 vợ chồng thửa đất này nên đây là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Đối với yêu cầu của ông Đ về việc chia đôi số tiền nợ Ngân hàng Agribank thì Bà không đồng ý vì cho rằng số tiền vay gốc 250.000.000 đồng là ông Đ, bà T vay giúp cho em gái ông Đ.

Về phía bị đơn ông Nguyễn Văn Đ cho rằng, lô đất rẫy diện tích 12.300m2 có nguồn gốc là mẹ ông Đ tặng cho một mình ông Đ nên đây là tài sản riêng của ông Đ và không đồng ý với yêu cầu chia tài sản chung của nguyên đơn. Đồng thời, ông Đ yêu cầu Tòa án buộc bà T trả lại cho ông Đ % số tiền nợ chung mà ông Đ đã trả cho Ngân hàng Agribank vào năm 2021 là 314.696.000 đồng: 2 157.348.000 đồng (250.000.000 đồng tiền gốc + 64.696.000 đồng tiền lãi =314.696.000 đồng).

Nguồn gốc thửa số 24, tờ bản đồ 109 loại đất trồng cây lâu năm (nay là thửa đất số 100, tờ bản đồ số 27) tại xã HX, thành phố T, tỉnh ĐL là tài sản của bố mẹ ông Đ là ông Nguyễn Văn H và bà Lâm Thị N tạo lập được trong thời kỳ hôn nhân. Năm 2003, bố mẹ ông Đường ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn số 01/QĐTTLH, ngày 22/12/2003 của TAND thành phố T. Theo Quyết định này, mẹ ông Đ là bà Lâm Thị N được toàn quyền quản lý, sử dụng và định đoạt lô đất rẫy diện tích 12.300m tại xã HX (GCNQSDĐ đang đứng tên ông Nguyễn Văn H) + giàn máy tưới và diện tích đất trống tại 591 đường D và một số tài sản khác (BL 43).

Cha mẹ ông Đ có 04 con chung nhưng ngày 05/5/2004, mẹ ông Đ đã lập Giấy ủy quyền sử dụng đất với nội dung: Nay vì đã có tuổi nên tôi quyết định uỷ quyền sử dụng lô đất nêu trên đang đứng tên ông Nguyễn Văn H sang tên con trai là Nguyễn Văn Đ, hiện thường trú cùng địa chỉ 591A đường D, được trọn quyền sử dụng đất lâu dài và có trách nhiệm chăm lo cuộc sống sau này của tôi. Giấy ủy quyền được UBND phường T chứng thực.

Ngày 20/7/2005, giữa bên chuyển nhượng bà Lâm Thị N với bên nhận chuyển nhượng ông Nguyễn Văn Đ ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với nội dung: Bà N chuyển nhượng cho ông Đ thửa đất số 24, tờ bản đồ số 109 diện tích 12.300m, trên đất có 1.000 cây cà phê, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Bố mẹ cho con. Hợp đồng có xác nhận của UBND xã HX và UBND thành phố T. Tại đơn xin cấp GCNQSDĐ ngày 20/7/2005, tờ khai lệ phí trước bạ nhà đất ngày 12/9/2005, tờ khai thuế chuyển quyền sử dụng đất ngày 12/9/2005 đều thể hiện người sử dụng đất là cá nhân ông Nguyễn Văn Đ.

Ngày 11/11/2005, UBND thành phố T cấp đổi GCNQSDĐ đối với thửa đất số 24, tờ bản đồ 109 diện tích 12.300m tại xã HX; tại mục tên người sử dụng đất ghi: Hộ Nguyễn Văn Đ, vợ (chồng):..( Để trống không ghi tên); nguồn gốc sử dụng: Nhận tặng cho.

Việc UBND thành phố T cấp đổi GCNQSDĐ ngày 11/11/2005 ghi tên người sử dụng đất là hộ ông Nguyễn Văn Đ là không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng; vì nguồn gốc đất là do nhận tặng cho, không phải do Nhà nước cấp hoặc công nhận việc khai hoang cho hộ gia đình, thủ tục xin cấp GCNQSDĐ chỉ đề nghị cấp GCNQSDĐ cho cá nhân ông Nguyễn Văn Đ.

Tại Điều 27, 32 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 (Điều 43, 46 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014) quy định tài sản riêng của vợ (chồng) bao gồm tài sản được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; vợ chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.

Khoản 1 Điều 13 Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định: “1. Việc nhập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật Hôn nhân và gia đình phải được lập thành văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng. Văn bản đó có thể được công chúng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật”.

Trong khi đó, không có văn bản nào thể hiện ông Đ đồng ý nhập tài sản riêng (diện tích đất 12.300m3) thành tài sản chung của vợ chồng.

Do đó, diện tích đất 12.300m là tài sản riêng của ông Đường là có căn cứ, đúng pháp luật.

Mặt khác, việc bà N tặng cho ông Đ diện tích đất 12.300m2 là có điều kiện, tại Giấy ủy quyền sử dụng đất lập ngày 05/5/2004 thể hiện điều kiện tặng cho đất: “Ông Đ phải có trách nhiệm chăm lo cuộc sống sau này của bà N” vì bà N có 04 người con nhưng bà N chỉ tặng cho đất rẫy cho một mình ông Đ và ông Đ ở chung với bà N tại 591A đường D.

Vì vậy, nếu có việc ông Đ đồng ý xác lập tài sản riêng thành tài sản chung thì giao dịch này cũng vô hiệu vì không có sự đồng ý của bà N.

– Về việc chia tài sản trên đất và tính công sức giữ gìn, tôn tạo tài sản:

Theo kết quả định giá ngày 26/4/2022, diện tích đất 12.300m có giá thị trường 10.000.000.000 đồng; giá nhà nước 799.500.000 đồng.

Theo kết quả định giá ngày 10/2/2023, diện tích đất đo đạc thực tế 11.029,3m có giá thị trường 9.200.000.000 đồng. Về phía ông Đ cho rằng kết quả định giá nêu trên là quá cao vì đây là đất trồng cây lâu năm chứ không phải đất ở, nên tại phiên tòa phúc thẩm, giữa ông Đ với bà T thỏa thuận giá trị đất theo giá thị trường hiện nay là 1.200.000.000 đồng.

Theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà N với ông Đ lập ngày 20/7/2005 thì trên đất đã có 1.000 cây cà phê và 01 giàn máy tưới. Theo lời khai của ông Đ, bà N thì khi tặng cho đã có nhà cấp 4 trên đất để trông coi tài sản và còn có giếng nước, sau này ông Đ, bà T có sữa chữa lại nhà cấp 4. Theo biên bản xem xét thẩm định ngày 10/2/2023, trên đất hiện có 500 cây cà phê trồng năm 2015 và nhiều loại cây trồng từ năm 2017, 2020, 2021. Trong khi đó, bà T và ông Đ ly hôn từ năm 2018.

Như vậy, ông Đ là người có công chăm sóc, quản lý tài sản nhiều hơn bà Thúy và những loại cây trồng năm 2020, 2021 là tài sản riêng của ông Đ.