Tội tuyên truyền chống Nhà nước

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng giúp bạn đọc hiểu rõ hơn “Tội tuyên truyền chống Nhà nước”

An ninh quốc gia luôn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại của bất kỳ thể chế chính trị nào. Đối với Việt Nam, trong các giai đoạn cách mạng, bảo vệ an ninh quốc gia luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bảo vệ an ninh quốc gia bao gồm bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự tồn tại và phát triển vững mạnh của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là mục đích “nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cơ quan điều tra có nghĩa vụ chứng minh dấu hiệu này.

Để đánh giá hành vi của bị can, bị cáo được thực hiện có mục đích “nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay không, cần chú ý đến các tình tiết sau:

  • Lịch sử gia đình hoặc quá trình hoạt động của bị can, bị cáo có yếu tố nào dẫn đến việc họ có sự bất mãn hoặc chống đối Nhà nước không?
    • Họ có liên lạc, nhận tiền, tài liệu phương tiện hoạt động của nước ngoài để thực hiện các hành vi tuyên truyền không.
    • Những hành vi họ thực hiện xuất phát từ động cơ gì. Do nhận thức chưa đúng đắn hay do bị kích động, lôi kéo.
    • Trong trường hợp hồ sơ không thể hiện rõ các căn cứ chứng minh hành vi của bị can, bị cáo được thực hiện có mục đích “nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Luật sư cần thu thậpchứng cứ (nếu có thể), đề xuất với cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ. Nếu không thể chứng minh được mục đích “nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của bị can, bị cáo thì không thể quy kết họ phạm tội này.

Điểm cần lưu ý là, trong Bộ luật hình sự năm 1999 còn có hai tội có dấu hiệu tương tự về mặt khách quan: Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 84) và Tội khủng bố (Điều 230a). Bộ luật hình sự năm 2015 cũng quy định tương tự về hai tội phạm này lần lượt tại các Điều 113 và Điều 299. Hai tội này có hành vi khách quan tương tự như nhau nhưng khác nhau về mục đích phạm tội. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân có mục đích “nhằm chống chính quyền nhân dân” quy định ngay trong tội danh; còn tội khủng bố quy định mục đích phạm tội trong cấu thành là “nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng”. Do vậy, khi bào chữa cho khách hàng bị khởi tố hoặc truy tố về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, Luật sư cũng cần lưu ý đến mục đích phạm tội của bị can, bị cáo. Dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm này là mục đích “nhằm chống chính quyền nhân dân”. Nếu không chứng minh được mục đích “nhằm chống chính quyền nhân dân” của bị can, bị cáo thì không thể quy kết họ phạm tội này.