Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bảo vệ quyền phụ nữ, quyền con người.
CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM
1. Đối với người phạm tội
Người phạm tội có thể là người mua, có thể là người bán hoặc có thể họ vừa là người mua, vừa là người bán phụ nữ (người nói chung theo BLHS 2015). Thực tiễn xét xử trong những năm vừa qua, chúng tội thường gặp người phạm tội là người dùng mọi thủ đoạn lừa phỉnh phụ nữ để đem ra nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) bán cho người nước ngoài làm vợ. Việc mua bán phụ nữ xảy ra ở trong nước, nếu có cũng chủ yếu là sự móc nối của những người trong các khâu của quá trình mua bán phụ nữ (người) và cuối cùng là đưa ra nước ngoài.
Quan niệm mua và bán phụ nữ cũng không hoàn toàn giống như mua và bán những hàng hoá khác hoặc mua bán nô lệ như một số nước ở thời kỳ trung cổ, do đó trong một số trường hợp nhìn hình thức bên ngoài chúng ta không thấy được đó là hành vi mua bán phụ nữ, thậm chí người phụ nữ bị đem bán còn cảm ơn người đã mua bán mình. Ví dụ: Chị Phạm Thị H đã 30 tuổi nhưng chưa có chồng, Nguyễn Thị M là người thường đi lên Lạng Sơn buôn bán nên biết được ở Lạng Sơn có người tìm phụ nữ có hoàn cảnh éo le để đưa sang Trung Quốc bán. M đã về gặp chị H và kể cho chị H nghe là sang Trung Quốc lấy chồng có cuộc sống sung sướng, nếu chị H đồng ý thì M sẽ giúp đỡ. Vì hoàn cảnh như vậy nên chị H đã đồng ý và theo M lên Lạng Sơn để sangTrung Quốc, bằng việc làm này chị M đã được đồng bọn chia cho 1.000.000 đồng. Sau một năm, chị H viết thư về gia đình báo tin là đã có chồng và không quên gửi lời cám ơn M đã giúp chị.
Trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân của người Việt Nam cũng như của người nước ngoài tại Việt nam có sử dụng các cán bộ khoa học hoặc công nhân có tay nghề cao là phụ nữ. Những người này được trả lương cao, thậm chí rất cao và không ít trường hợp những “ông chủ” muốn lôi kéo họ về làm việc cho mình nên đã “mua hoặc bán” như kiểu chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng này không phải là hành vi phạm tội mua bán phụ nữ.
Người phạm tội phải nhận thức được hành vi của mình là hành vi mua bán phụ nữ thì mới là hành vi phạm tội, nếu họ không nhận thức được hành vi của mình là hành vi mua bán phụ nữ thì không phải là tội phạm. Ví dụ: Chị K đã ly hôn với chồng, muốn sang Trung Quốc để lấy chồng vì chị nghe nói phụ nữ Việt Nam sang bên đó lấy chồng dễ, lại có cuộc sống sung sướng. Chị K nhờ chị L là người thường xuyên đi buôn bán ở Quảng Ninh xem có cách nào giúp chị, chị L đồng ý và dẫn chị K ra Quảng Ninh. Tại đây, chị L giới thiệu với Trần Văn Q về hoàn cảnh của chị K, Trần Văn Q đã đưa chị K đến nhà Hoàng Công T (T là đối tượng thường xuyên đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán), T đã trả cho Q số tiền 500.000 đồng, Q đem về cho chị L số tiền 100.000 đồng và dặn lần sau có ai muốn sang Trung Quốc lấy chồng thì cứ đưa ra đây. Mặc dù chị L có được Q cho tiền, nhưng chị L không biét việc làm của mình là hành vi giúp sức cho kẻ khác mua bán phụ nữ, nên hành vi của chị L không phải là hành vi phạm tội.
Vì là buôn bán nên dấu hiệu thu lợi cũng là một dấu hiệu quan trọng, nhưng nó không phải là dấu hiệu bắt buộc, việc người phạm tội có thu lợi hay không, điều đó không có ý nghĩa về mặt định tội, nếu có thì cũng chỉ có ý nghĩa về việc áp dụng hình phạt (lượng hình).
Hậu quả của hành vi mua bán phụ nữ là người phụ nữ đó đã bị mua, bị bán. Nhưng nếu người phạm tội đã thực hiện các hành vi nhằm mua, nhằm bán, nhưng việc mua bán chưa xảy ra thì cũng không vì thế mà cho rằng chưa phạm tội mua bán phụ nữ mà trường hợp phạm tội này là phạm tội chưa đạt.
2. Đối với người bị hại
Người bị hại trong vụ án mua bán phụ nữ là người phụ nữ (người nói chung) từ 16 tuổi trở lên bị mua, bị bán. Nếu người người bị hại là phụ nữ (người) dưới 16 tuổi thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán phụ nữ (người) mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo Điều 120 Bộ luật hình sự 1999 (tội mua bán người dưới 16 tuổi theo Điều 151 BLHS 2015).
Hiện nay có một tình trạng khá phổ biến là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng thường xác định người bị hại trong vụ án mua bán phụ nữ lại là thân nhân của họ như: bố, mẹ, anh, em của người phụ nữ bị mua, bị bán, nhất là đối với các trường hợp người bị hại bị đưa ra nước ngoài. Việc xác định thân nhân của người bị hại là bị hại trong vụ án mua bán phụ nữ rõ ràng là không đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, nếu không xác định thân nhân của người bị hại tham gia tố tụng với tư cách như người bị hại thì có không ít những trường hợp không bảo đảm quyền lợi của các đương sự nhất là đối với trường hợp người bị hại bị đưa ra nước ngoài.
Việc xác định thân nhân của người phụ nữ bị mua, bị bán tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại rõ ràng là không đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử một số nơi đã cho họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện của người bị hại, nhưng ngay cả trong trường hợp này cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể, bởi lẽ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng hình sự 1988 (Điều 62 BLTTHS 2015-Người bị hại) thì chỉ trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ mới tham gia tố tụng thay cho họ còn những phụ nữ bị bán ra nước ngoài chưa hẳn họ đã bị chết.
Trong khi chưa có hướng dẫn hoặc sửa đổi bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự, theo chúng tôi nếu người bị hại trong vụ án mua bán phụ nữ không xác định được địa chỉ hoặc tuy xác định được địa chỉ nhưng không thể triêu tập họ được thì chỉ cho thân nhân của họ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và chỉ giải quyết những vấn đề có liên quan đến thân nhân của người bị hại. Ví dụ: Những khoản thiệt hại vật chất do phải đi tìm người bị hại hoặc do người bị hại bị bán ra nước ngoài không nhận được tin tức mà thân nhân của người bị hại tổn thất về tinh thần.
Người bị hại có thể biết mình bị mua, bị bán nhưng cũng có thể không biết mình bị mua, bị bán. Thậm chí có người còn tự nguyện để người khác mua bán, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán phụ nữ.