Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong các vụ án hình sự
Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng không khởi tố, không truy tố người mà mình biết rõ là có tội.
Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là tội phạm mới chưa được quy định tại Bộ luật hình sự năm 1985, do yêu cầu đấu tranh phòng chống tình trạng bỏ lọt tội phạm và người phạm tội nên nhà làm luật quy định hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là tội phạm là đáp ứng yêu cầu trên. Tuy nhiên, từ khi Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực pháp luật đến nay cũng chưa đưa ra xét xử được vụ án nào về tội phạm này. Trong vụ án Năm Cam cũng có một số trường hợp bỏ lọt tội phạm có dấu hiệu của tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội nhưng cũng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ, tội làm sai lệch hơ vụ án hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cũng như đối với tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, việc chứng minh hành vi phạm tội và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội này cũng gặp rất nhiều khó khăn.
CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
Có thể nói, tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là tội phạm đối lập với tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, là mặt trái, mặt ngược lại đối với tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội. Do đó các dấu hiệu của cấu thành tội phạm này cũng tương tự như đối với tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, chỉ khác nhau ở ý thức chủ quan của người phạm tội. Nếu Điều 293 (Điều 368 BLHS 2015) quy định “biết rõ là không có tội” thì Điều 294 (Điều 369 BLHS 2015) quy định “biết rõ là có tội”. Tuy nhiên, để xác định người có thẩm quyền biết rõ một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm, trong nhiều trường hợp không đơn giản, nó phụ thuộc vào trình độ, năng lực, kinh nghiệm nghề nghiệp của người có thẩm quyền. Nhiều vụ án bị bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội là do quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ giữa cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng với nhau; cùng một hành vi nhưng người này thì cho là có tội, còn người khác thì cho rằng không có tội. Do đó đối với loại tội phạm này, chủ yếu căn cứ vào động cơ của người phạm tội để xác định hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có tội đã là hành vi phạm tội chưa.
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này tương tự như chủ thể của tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội bao gồm: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát; Điều tra viên, Kiểm sát viên.
Ngoài những người trên, đối với người phạm tội ít nghiêm trọng còn có thể còn có người có thẩm quyền của Bộ đội biên phòng, Hải quan. Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân dội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại Điều 111 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (Điều 35 BLTTHS 2015). Đây là đặc điểm khác với «tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội», vì truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội thì chỉ những người có thẩm quyền như: là Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát; Điều tra viên, Kiểm sát viên, mới thực hiện được, nhưng đối với tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội thì không chỉ những người trên, mà còn cả những người có trách nhiệm trong việc phát hiện, bắt giữ tội phạm nhưng đã cố tình bỏ lọt tội phạm, bởi vì nếu không bắt giữ, không khởi tố vụ án thì những người có thẩm quyền sẽ không khởi tố bị can được.
Cũng như đối với chủ thể của «tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội», không bao gồm Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân.
Trường hợp, Điều tra viên, Kiểm sát viên cố tình không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội theo mệnh lệnh của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, mặc dù trước đó đã báo cáo, đề xuất ý kiến “phải khởi tố, phải kết luận điều tra, phải truy tố” nhưng không có ý kiến phản bác, bảo lưu hoặc báo cáo lên cấp trên mà vẫn đồng tình với quyết định của cấp trên thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”. Tuy nhiên, khi xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này cũng cần xem xét đến mối quan hệ giữa họ với Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát. Nếu đó là mối quan hệ quá lệ thuộc, mà Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên không còn cách nào khác buộc phải chấp hành thì được coi là phạm tội do bị ép buộc, cưỡng bức và được xem xét nhẹ miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Trường hợp Điều tra viên, Kiểm sát viên cố tình không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội theo quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, nhưng trước đó đã đề xuất ý kiến “phải khởi tố, phải kết luận điều tra, phải truy tố” và đã bảo lưu ý kiến, đồng thời báo cáo lên Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trên hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên về ý kiến của mình thì không phạm tội này.
Trường hợp người có thẩm quyền như: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên quyết định không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can, không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, không ký bản kết luận điều tra, không ra bản cáo trạng truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội nhưng không biết rõ người mà mình không truy cứu trách nhiệm hình sự là có tội mà chỉ có Điều tra viên, Kiểm sát viên biết rõ là có tội thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên không phải là chủ thể của tội phạm này, mà tuỳ trường hợp cụ thể họ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 360 BLHS 2015).
2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm
Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là tội phạm không chỉ xâm phạm đến uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng, mà còn xâm phạm đến nguyên tắc xử lý “mọi hành vi phạm tội phải bị phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh”. Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là việc cố ý bỏ lọt tội phạm và do đó còn xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, xã hội và của công dân. Tuy nhiên, về chính sách hình sự, hành vi bỏ lọt tội phạm không bị coi là nguy hiểm như hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội. Điều này thể hiện ở mức hình phạt quy định trong khung hình phạt của điều luật. Mức hình phạt cao nhất của tội phạm này là 12 năm tù, trong khi đó mức hình phạt cao nhất của «tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội» là 15 năm tù.
3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Người phạm tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, có thể thực hiện một trong các hành vi sau:
– Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can, không kết luận điều tra vụ án; ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với người mà mình biết rõ là có tội.
– Điều tra viên không lập hồ sơ vụ án; không triệu tập bị can hoặc có triệu tập nhưng không tiến hành hỏi cung bị can và những người tham gia tố tụng khác; không quyết định áp giải bị can; không thi hành lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ; không tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nhiệm điều tra; không tiến hành các hoạt động điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
– Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát ra quyết định không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can; ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án; quyết định không phục hồi điều tra; quyết định không phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra; không yêu cầu Cơ quan điều tra thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; không quyết định việc truy tố.
– Kiểm sát viên không kiểm sát việc khởi tố, không kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra; không đề ra yêu cầu điều tra; không triệu tập và hỏi cung bị can; không triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; không kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam; không tham gia phiên toà; không đọc cáo trạng, quyết định của Viện kiểm sát liên quan đến việc giải quyết vụ án; không hỏi, đưa ra chứng cứ và thực hiện việc luận tội.
Trong các hành vi trên của người tiến hành tố tụng, có thể có hành vi chỉ là hành vi vi phạm tố tụng, nhưng nếu các hành vi đó đều nhằm mục đích để lọt người phạm tội hoặc để lọt tội phạm thì người tiến hành tố tụng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.
Khác với tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, đối với tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội bao gồm cả hành vi không khởi tố vụ án của người có thẩm quyền, vì nếu không khởi tố vụ án thì cũng không có căn cứ để khởi tố bị can. Tuy nhiên, hành vi không khởi vụ án chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi đó liền ngay trước hành vi khởi tố bị can, nếu không khởi tố vụ án thì không thể khởi tố bị can được; nếu chưa xác định được bị can mà không khởi tố vụ án hoặc hành vi không khởi tố vụ án của những người chỉ có thẩm quyền khởi tố vụ án, chứ không có thẩm quyền khởi tố bị can thì không cấu thành tội phạm này như: những người có thẩm quyền của Bộ đội biên phòng, Hải quan. Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân dội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại Điều 111 Bộ luật tố tụng hình sự 1999 (Điều 35 BLTTHS 2015) (trừ trường hợp những người có thẩm quyền trong các cơ quan này được khởi tố bị can đối với tội phạm ít nghiêm trọng); Hội đồng xét xử khởi tố vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (Điều 153 BLTTHS 2015). Nếu những người này không khởi tố vụ án thì những người có thẩm quyền như: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát; Điều tra viên, Kiểm sát viên vẫn có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trường hợp cố tình không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội bằng cách lấy bớt hoặc thêm vào hồ sơ vụ án những tài liệu làm tình tiết gỡ tội cho người phạm tội hoặc sửa chữa tài liệu trong hồ sơ vụ án để làm căn cứ đình chỉ vụ án đối với người có tội thì người có hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 300 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 375 BLHS 2015), vì hành vi này được quy định thành một tội độc lập và tội làm sai lệch hồ sơ vụ án là tội nặng hơn so với tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.
b. Hậu quả
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, nếu hậu quả xảy ra thì tuỳ trường hợp, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật.
c. Các dấu hiệu khách quan khác
Cũng như đối với tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, điều luật không quy định dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng việc xác định thế nào là người có tội là vấn đề rất cần thiết khi xác định hành vi phạm tội.
Người có tội với người bị coi là có tội là khác nhau. Người có tội là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Có tội là một hiện tượng khách quan và theo quy định của Bộ luật hình sự thì hành vi đó đã cấu thành tội phạm, còn người bị coi là có tội là người bị Toà án kết án bằng một bản án và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật; trong số những người bị Toà án kết án có thể có người không có tội, nhưng về mặt pháp lý thì người đó vẫn bị coi là có tội.
Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội có thể không truy cứu tất cả các tội phạm mà họ thực hiện hoặc chỉ không truy cứu một hoặc một số tội phạm mà họ thực hiện còn các tội phạm khác vẫn truy cứu. Ví dụ: A phạm tội tội giết người và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, nhưng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” còn “tội giết người” thì không bị truy cứu.
4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của người mà mình không truy cứu là hành vi phạm tội, nhưng cố tình không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều luật quy định “biết rõ là có tội” tức là, người phạm tội phải biết rõ người mà mình không truy cứu trách nhiệm hình sự là có tội; nếu vì lý do khách quan hoặc do trình độ nghiệp vụ non kém mà người có thẩm quyền không biết rõ người mà mình không truy cứu trách nhiệm hình sự là có tội, thì cũng không phạm tội này.
Biết rõ là có tội là tự bản thân người có thẩm quyền biết, nhưng cũng có trường hợp do người khác nói cho biết, nhưng vẫn cố tình không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội. Đây là vấn đề phức tạp không phải mọi trường hợp đều xác định được ý thức chủ quan của người phạm tội. Thông thường, khi đã có chủ ý không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, người phạm tội thường đổ lỗi do trình độ, do nhận thức và theo họ thì không có tội.
Trường hợp Viện kiểm sát, hoặc Toà án trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung vì còn lọt người, lọt tội hoặc phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn, nhưng Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát vẫn giữ quan điểm không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người mà Viện kiểm sát hoặc Toà án cho là có tội. Trong số này có nhiều trường hợp Toà án cấp giám đốc thẩm phải huỷ bản án để điều tra, truy tố lại nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có tội mà Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát không truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy đối với trường hợp này, có coi hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự của người có thẩm quyền của Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát là hành vi biết rõ người mà mình không truy cứu trách nhiệm hình sự là có tội hay không? Thực tiễn xét xử chưa có trường hợp nào tương tự bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, vì người có thẩm quyền trong Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát đều lấy lý do là do trình độ, do nhận thức chứ không phải cố ý. Tuy nhiên theo chúng tôi, với tinh thần cải cách tư pháp hiện nay, nếu có căn cứ xác định người có thẩm quyền đã biết rõ người mà mình không truy cứu trách nhiệm hình sự là người có tội mà vin vào trình độ hoặc dùng “quyền” của mình để không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội đã được cấp giám đốc thẩm kết luận là có tội thì cũng cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này về tội “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” mới có tác dụng đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trong tình thình hiện nay.
Nếu người có thẩm quyền do thiếu trách nhiệm không kiểm tra, để cho cấp dưới báo cáo sai dẫn đến không quyết định khởi tố, kết luận điều tra hoặc không truy tố người có tội mà gây hậu quả nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 360 BLHS 2015). Ví dụ: Nguyễn Mạnh T là Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra – Công an thành phố H đã không kiểm tra, chỉ nghe Điều tra viên Phạm Viết X báo cáo sai sự thật về các tình tiết của vụ án nên đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với Vũ Đình H cùng với một số tên khác giết một chiến sĩ cảnh sát.