Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật

Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bào chữa bị can, bị cáo bị khởi tố, truy tố, xét xử về “Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật”

Ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tội ép buộc nhân viên tư pháp làmtrái pháp luật là tội phạm đã được quy định tại Điều 233 Bộ luật hình sự năm 1985.

Nhà làm luật quy định hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật là hành vi phạm tội cũng xuất phát từ việc chống lại sự can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của các cơ quan tư pháp và nhân viên tư pháp, nhằm bảo đảm cho hoạt động tư pháp được khách quan, vô tư, trung thực.

Tuy nhiên, thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm này cho thấy hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật không phải không xảy ra, thậm chí có nơi có lúc rất nghiêm trọng nhưng việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi này không dễ dàng, vì khi nhân viên tư pháp có hành vi làm trái pháp luật bị phát hiện, họ thường nêu lý do bị người này, người khác có chức vụ, quyền hạn ép buộc, nếu không làm thì sẽ ảnh hưởng đến gia đình, bản thân nhưng lại không đưa ra được chứng cứ xác thực. Nhà làm luật quy định hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật là hành vi phạm tội cũng xuất phát từ việc chống lại sự can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của các cơ quan tư pháp và nhân viên tư pháp, nhằm bảo đảm cho hoạt động tư pháp được khách quan, vô tư, trung thực.

So với Điều 233 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 297 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 372 BLHS 2015) về tội phạm này, có những sửa đổi, bổ sung như sau:

– Điều 233 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ có một cấu thành, còn Điều 297 Bộ luật hình sự năm 1999 cấu tạo thành 3 khoản trong đó khoản 3 là hình phạt bổ sung, bổ sung khoản 2 với tình tiết là yếu tố định khung hình phạt là “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn nguy hiểm, xảo quyệt  khác và “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”; bổ sung tình tiết là yếu tố định tội “làm trái pháp luật trong hoạt động” và sửa khái niệm “một cách nghiêm trọng” bằng khái niệm “gây hậu quả nghiêm trọng”.

– Về hình phạt, do yêu cầu của việc đấu tranh phòng chống loại tội phạm này  ngoài việc quy định thêm khung hình phạt tăng nặng thì mức hình phạt cao nhất của tội phạm này là bảy năm thay vì chỉ có ba năm như Điều 233 Bộ luật hình sự năm 1985.

CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Người có chức vụ nói trên đây là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

Người có chức vụ, quyền hạn có thể là chủ thể của tội phạm này, nhưng không phải tất cả những người có chức vụ, quyền hạn đều có thể là chủ thể của tội phạm này. Những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan tư pháp như Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án, Phó chánh án Toà án, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan thi hành án không phải là chủ thể cua tội phạm này, vì những người này họ cũng là nhân viên tư pháp và nếu ép buộc nhân viên tư pháp dưới quyền mình làm trái pháp luật thì hành vi ép buộc đó là đồng phạm với hành vi làm trái pháp luật của nhân viên tư pháp dưới quyền.

Đối với những người có chức vụ, quyền hạn công tác trong các cơ tư pháp nhưng không phải là Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án, Phó chánh án Toà án, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan thi hành án mà có hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật thì cũng là chủ thể của tội phạm này như: Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng các phòng chức năng của Công an tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; Phó trưởng công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương… (nếu những người này không là Thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan điều tra).

 Tuy phức tạp nhưng ranh giới để xác định tư cách chủ thể của tội phạm này đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan tư pháp là: Nếu họ đồng thời là nhân viên tư pháp thì không phải là chủ thể của tội phạm này; nếu họ công tác trong các cơ quan tư pháp nhưng họ không phải là nhân viên tư pháp thì có thể là chủ thể của tội phạm này. Các cơ quan tư pháp bao gồm cả Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án và Cơ quan thi hành án trong quân đội.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật xâm phạm đến hoạt đồng bình thường của các cơ quan tư pháp, đồng thời xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. bởi lẽ, khi nhân viên tư pháp đã bị ép buộc làm trái pháp luật, thì không chỉ hoạt động bình thường của cơ quan tư pháp bị xâm phạm mà lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cũng bị xâm phạm.

Đối tượng tác động của tội phạm này chính là nhân viên tư pháp. Nhân viên tư pháp bao gồm: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát các cấp; Chánh án, Phó chánh án Toà án các cấp; Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký Toà án; Chấp hành viên. Cũng được coi là nhân viên tư pháp, tuy họ không phải là người tiến hành tố tụng; là Chấp hành viên nhưng họ có nhiệm vụ tham gia vào trong quá trình giải quyết vụ án như: Thẩm tra viên, chuyên viên pháp lý công tác ở Toà án các cấp, tuy họ không trực tiếp tiến hành tố tụng như những người tiến hành tố tụng nhưng vai trò của họ cũng rất quan trọng, họ là những người được phân công nghiên cứu hồ sơ vụ án đề xuất hướng giải quyết vụ án, nếu họ bị ép buộc làm trái pháp luật thì cũng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Vì không muốn đề xuất với người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án đã có hiệu lực pháp luật, nên Vũ Khắc A đã ép buộc Bùi Thị C báo cáo không đúng các tình tiết của vụ án theo hướng bản án có hiệu lực pháp luật không vi phạm nghiêm trọng với người có thẩm quyền kháng nghị dẫn đến hậu quả vụ án không được kháng nghị gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của người tham gia tố tụng. 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Người ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật trước hết phải là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm một việc trái pháp luật.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật là sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để buộc nhân viên tư pháp phải làm trái pháp luật theo yêu cầu của mình. Nếu họ không có chức vụ, quyền hạn thì khó có thể thực hiện việc ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật.

Ép buộc là dùng quyền lực của mình buộc người khác phải làm theo ý mình mà họ không muốn. Hành vi ép buộc có thể bằng lời nói: dụ dỗ, hăm doạ, hứa hẹn hoặc bằng hành động như: dùng vũ lực; đe doạ dùng vũ lực hoặc bằng những thủ đoạn nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của nhân viên tư pháp.

Về phía người bị ép buộc (nhân viên tư pháp) phải là người nếu không phục tùng người có ép buộc thì sẽ bị trù dập, bị mất quyền và lợi ích (kể cả lợi ích hợp pháp và không hợp pháp) như: bị điều chuyển công tác không theo nguyện vọng, bị xử lý kỷ luật do đã thực hiện hành vi vi phạm, bị xử lý hình thức kỷ luật nặng hơn so với lỗi vi phạm, không được đề bạt, bị phân công những việc khó khăn hoặc các lợi ích vật chất, tinh thần khác…

Nếu người có chức vụ, quyền hạn không ép buộc mà chỉ nhờ vả, nếu nhân viên tư pháp không giúp thì cũng không sao; việc làm trái pháp luật của nhân viên tư pháp hoàn toàn tự nguyện thì người có chức vụ, quyền hạn không bị coi là ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật.

Người bị ép buộc (nhân viên tư pháp) phải thực hiện một công việc mà việc đó là trái pháp luật; nếu bị ép buộc nhưng họ không thực hiện một hành vi trái pháp luật thì người có hành vi ép buộc cũng chưa bị coi là phạm tội.

b. Hậu quả

Tương tự như đối với tội ra quyết định trái pháp luật quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 371 BLHS 2015), hậu quả của tội phạm này cũng là dấu hiệu bắt buộc. Nếu hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì chưa cấu thành tội phạm này, mà tuỳ trường hợp người có hành vi có thể chỉ bị xử lý hành chính.

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật gây ra là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội trong đó có những thiệt hại đối với người tham gia tố tụng và những người khác.

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật gây ra là những thiệt hại chủ yếu do chính hành vi làm trái pháp luật của nhân viên tư pháp gây ra, mức độ nghiêm trọng của hậu quả phụ thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng do hành vi trái pháp luật của nhân viên tư pháp gây ra cho xã hội. Nếu ép buộc nhân viên tư pháp truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn ép buộc nhân viên tư pháp ra quyết định hoãn thi hành án phạt tù trái pháp luật. Vì vậy, khi xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật phải căn cứ vào hành vi làm trái pháp luật của nhân viên tư pháp là hành vi cụ thể nào, đồng thời tham khảo hậu quả do hành vi phạm tội của nhân viên tư pháp được quy định trong chương này. Ví dụ: Do bị ép buộc nên Thẩm phán đã ra bản án trái pháp luật thì phải căn cứ vào hậu quả của hành vi ra bản án trái pháp luật để xác định hậu quả do hành vi ép buộc Thẩm phán ra bản án trái pháp luật. Nếu Thẩm phán kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt người phạm tội thì phải coi đó là hậu quả nghiêm trọng, nhưng nếu Thẩm phán ra bản án trái pháp luật chỉ gây thiệt cho đương sự trong vụ án dân sự 10 triệu đồng thì chưa coi là hậu quả nghiêm trọng.

Tóm lại, hậu quả nghiêm trọng do hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật phụ thuộc vào hậu quả do hành vi làm trái pháp luật của nhân viên tư pháp. Ngoài ra, hậu quả do hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật còn là những thiệt hại gây ra cho chính nhân viên tư pháp như: khi bị phát hiện, nhân viên có thể bị xử lý kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng do hành vi làm trái pháp luật gây ra hoặc do bị ép buộc làm trái pháp luật mà nhân viên tư pháp có thể bị khủng hoảng tinh thần, bị sốc hoặc dẫn đến tự sát…

c. Các dấu hiệu khách quan khác

Đối với tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật ngoài hành vi khách quan, hậu quả nhà làm luật còn quy định một dấu hiệu khách quan rất quan trọng, nếu thiếu nó thì hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật chưa cấu thành tội phạm, đó là tính trái pháp luật của hành vi mà nhân viên tư pháp thực hiện.

Hành vi của nhân viên tư pháp bị coi là trái pháp luật là hành vi không đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi xác định tính trái pháp luật của hành vi mà nhân viên tư pháp thực hiện phải xem xét một cách toàn diện, không chỉ căn cứ vào quy định của pháp luật mà còn phải căn cứ vào tính chất nguy hiểm cho xã hội và thiệt hại gây ra cho Nhà nước, tổ chức và công dân. Nếu hành vi trái pháp luật của nhân viên tư pháp đã gây ra cho Nhà nước, tổ chức và công dân là thiệt hại nghiêm trọng thì hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật mới bị coi là hành vi phạm tội.

Có thể nói tính trái pháp luật của nhân viên tư pháp phải là trái pháp luật nghiêm trọng; nếu hành vi làm trái pháp luật của nhân viên chưa phải là nghiêm trọng thì người có chức vụ, quyền hạn ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật chưa bị coi là tội phạm mà tuỳ trường hợp có thể bị xử lý kỷ luật.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Cũng như đối với một số tội phạm quy định trong chương này, điều luật không quy định động cơ là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này nhưng việc xác định động cơ của người phạm tội là rất cần thiết. Căn cứ vào động cơ phạm tội mà có thể xác định hành vi của người phạm tội có phải là hành vi ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật hay không. Ngoài ra, việc xác định động cơ còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xử lý người có chức vụ, quyền hạn và khi quyết định hình phạt nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Nếu người có chức vụ, quyền hạn nhận hối lộ mà ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật thì ngoài tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật ra còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ.

Nếu người có chức vụ, quyền hạn vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật thì cần phải xử lý nghiêm khắc hơn vì động cơ chạy theo thành tích, cục bộ địa phương.