Tội đua xe trái phép

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bào chữa bị can, bị cáo phạm tội đua xe trái phép

Điều 207. Tội đua xe trái phép

1. Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ  năm triệu đồng đến năm mươi  triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác;

b) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

c) Tham gia cá cược;

d) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;

đ) Đua xe nơi tập trung đông dân cư;

e) Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;

g) Tái phạm về tội này hoặc tội tổ chức đua xe trái phép.

3. Phạm tội trong trường hợp tái phạm nguy hiểm hoặc gây hậu quả rất  nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm  triệu đồng đến ba  mươi triệu đồng.

Định nghĩa: Đua xe trái phép là hành vi của hai hoặc nhiều người điều khiển xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ chạy thi trên đường bộ nhằm đuổi kịp hoặc vượt người cùng đua.

Cũng như đối với tội tổ chức đua xe trái phép, Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định tội đua xe trái phép. Do yêu cầu đấu tranh phòng chống hành vi đua xe trái phép nên Bộ luật hình sự năm 1999 đã bổ sung tội tổ chức đưa xe trái phép và tội đua xe trái phép. Trước khi Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực, hành vi đua xe trái phép bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, khi ấy chỉ cần có hành vi đua xe trái phép là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng mà không cần phải thêm điều kiện “gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” như Điều 207 Bộ luật hình sự năm 1999. Do tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999 cũng bổ sung tình tiết là yếu tố định tội “gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” nên nhà làm luật cũng quy định tình tiết này là yếu tố định tội đối với tội đua xe trái phép tương tự như đối với tội gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, đối với tội đua xe trái phép chỉ cần người phạm tội có hành vi đua xe là đã cấu thành tội phạm không cần phải kèm theo các tình tiết“gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”. Quy định này dẫn đến thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp khó xử lý như: Trong một vụ án đua xe trái phép, những người phạm tội đều có hành vi đua xe trái phép nhưng người này thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép, người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, mà điển hình nhất là vụ đua xe ô tô trái phép xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2002. Để phù hợp với thực tiễn xét xử, đồng thời phản ảnh đúng bản chát của hành vi phạm tội, hy vọng rằng khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự vấn đề này sẽ được Quốc hội quan tâm xem xét.

CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM ĐUA XE TRÁI PHÉP

Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm đua xe trái phép

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự 1999 và 2015 thì, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp nào quy định tại điều luật.

Nếu người phạm tội chưa gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi đua xe trái phép hoặc đã bị kết án về tội đua xe trái phép, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép.

Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm đua xe trái phép

Cũng tương tự như đối với tội tổ chức đua xe trái phép, khách thể của tội phạm này vừa xâm phạm đến an toàn công cộng vừa xâm phạm đến trật tự công cộng.

Khác với tội tổ chức đua xe trái phép, đối tượng tác độngcủa tội phạm này không phải là người đua xe, mà là phương tiện dùng để đua là ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ.

Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội đua xe trái phép

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi đua xe. Người đua xe trái phép, có thể thực hiện một trong các hành vi như: chuẩn bị phương tiện (xe đua) và những điều kiện cần thiết cho cuộc đua; đến nơi tập trung đua; điều khiển xe tham gia cuộc đua.

Trong các hành vi trên, thì hành vi điều khiển xe tham gia cuộc đua là hành vi quan trọng nhất, nó là điểm bắt đầu và cũng là điểm kết thúc cho một quá trình thực hiện việc đua xe trái phép. Tội phạm hoàn thành từ khi người phạm tội bắt đầu điều khiển xe tham gia vào cuộc đua. Nếu người phạm tội đã chuẩn bị phương tiện và những điều kiện cần thiết đang trên đường đến điểm tập trung đua xe bị phát hiện và bị bắt giữ thì chưa cấu thành tội đua xe trái phép, mà tuỳ trường hợp người phạm tội sẽ bị xử phạt hành chính, hoặc trên đường đến nơi tập trung người phạm tội cũng lạng lách (đánh võng) trên đường thì có thể bị xử lý về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tuy nhiên, nếu trên đường đến nơi tập trung đua, những người tham gia cuộc đua lại thực hiện một cuộc đua “mi ni” trên đường đến nơi tập trung, thì hành vi của những người này bị coi là hành vi đua xe trái phép, nếu thoả mãn các dấu hiệu khác thì họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép.

Cũng coi là có hành vi đua xe trái phép nếu lúc đầu người phạm tội chưa có ý định tham gia cuộc đua, nhưng khi đoàn đua đi qua đã tự nguyện tham gia vào cuộc đua trên đường đua. Loại hành vi này, thường xảy ra ở nhiều cuộc đua trong thời gian vừa qua và cũng là đặc điểm của các cuộc đua xe trái phép ở nước ta.

Người tham gia đua xe trái phép có thể được tổ chức từ trước, nhưng cũng có thể không được tổ chức, mà cuộc đua có thể được hình thành trong quá trình tham gia giao thông giữa những người điều khiển xe.

Chỉ người điều khiển xe tham gia cuộc đua mới là người thực hiện hành vi đua xe, còn người ngồi sau xe đua (nếu có) chỉ là người cổ vũ, họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe trái phép mà tuỳ trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

Hậu quả của tội đua xe trái phép

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu hậu quả chưa xảy ra, tức là chưa gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì hành vi đua xe trái phép chưa cấu thành tội đua xe trái phép. Tuy nhiên, hành vi đua xe trái phép của người đua xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Như trên chúng tôi đã phân tích thì quy định này là chưa phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, hy vọng rằng khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự vấn đề này sẽ được nhà làm luật quan tâm.

Điều luật chỉ quy định gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác chứ không quy định gây thiệt hại tới mức nào, nên chỉ cần xác định có gây thiệt hại đến sức khoẻ và tài sản của người khác là hành vi đua xe trái phép đã cấu thành tội phạm rồi (khoản 1 Điều 266 BLHS 2015 quy định cụ thể giá trị thiệt hại và tỷ lệ thương tật của nạn nhân, nên thuận tiện định tội).

Đối với thiệt hại về sức khoẻ của người khác cũng cần phải có chứng nhận của cơ quan y tế hoặc giám định tỷ lệ thương tật, nhưng không bắt buộc mọi trường hợp đều phải có giám định tỷ lệ thương tật mà chỉ cần xác nhận của cơ quan y tế là sức khoẻ bị tổn hại (BLHS 2015 bắt buộc giám định tỷ lệ thương tật); nếu có giám định tỷ lệ thương tật thì mức độ thương tật cũng chỉ cần 1% cũng là gây thiệt hại đến sức khoẻ rồi. Trong khi chưa sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự theo hướng bỏ tình tiết “gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác” là yếu tố định tội thì càng không nên giải thích hoặc hướng dẫn theo hướng ấn định mức tổn hại sức khoẻ của người khác do hành vi đua xe trái phép gây ra (khoản 1 Điều 266 BLHS 2015 quy định cụ thể giá trị thiệt hại và tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 31%, nên thuận tiện định tội).

Đối với thiệt hại về tài sản của người khác do hành vi đua xe trái phép gây ra cũng phải được hiểu như đối với trường hợp gây thiệt hại về sức khoẻ của người khác, tức là chỉ cần có gây thiệt hại về tài sản mà không cần phải gây thiệt hại tới mức bao nhiêu. Có thể chỉ 100.000 đồng thậm chí dưới 100.000 đồng vẫn bị coi là gây thiệt hại về tài sản (khoản 1 Điều 266 BLHS 2015 quy định giá trị thiệt hại từ 50-100 triệu đồng).

Nếu gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật.

Hành vi đua xe được coi là hành vi phạm tội khi hành vi đó không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép; nếu việc đua xe được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì không bị coi là tội phạm.

Chỉ coi là hành vi phạm tội đua xe trái phép nếu phương tiện mà người sử dụng vào việc đua là xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ; nếu phương tiện dùng vào việc đua là xe thô sơ như: xe đạp, xe xích lô thì không bị coi là hành vi phạm tội này. Tuy nhiên, nếu hành vi đua xe thô sơ trái phép gây hậu quả nghiêm trọng thì tuỳ trường hợp người đua xe đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm đua xe trái phép

Người phạm tội đua xe trái phép thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi đua xe trái phép, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.