Những tranh chấp về đất đai thường phát sinh trong thực tiễn

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án tranh chấp về đất đai

Quan hệ pháp luật về đất đai rất phức tạp, trải qua nhiều thể chế về đất đai rất khác nhau, với nhiều giấy tờ không thống nhất được cấp ở nhiều thời kỳ lịch sử bao gồm cả những giấy tờ viết tay. Tranh chấp đất đai là tranh chấp phát sinh trong quan hệ giữa chủ sở hữu qua các thời kỳ, giữa chủ sở hữu đất với người sử dụng đất, giữa những người sử dụng đất với nhau. Tranh chấp đất đai thường phát sinh từ quyền và nghĩa vụ trong quá trình quản lý, sử dụng đất, giao dịch về đất đai, v.v..

Trong thực tiễn, tranh chấp về đất đai thường bao gồm:

–              Tranh chấp về đất đai trong quan hệ giữa chủ sở hữu đất đai (do Nhà nước làm đại diện) với người sử dụng đất (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư).

–              Tranh chấp về đất đai trong quan hệ giữa những người sử dụng đất (thông thường còn được gọi là chủ sử dụng đất) với nhau.

a)Tranh chấp về đất đai trong quan hệ giữa chủ sở hữu đất đai (Nhà nước đại diện) với người sử dụng đất (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư):

Loại này bao gồm các tranh chấp:

–              Thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất.

–              Thực hiện các thủ tục hành chính về đất.

–              Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

–              Giao đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất.

–              Giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.

–              Xử phạt vi phạm hành chính về đất đai.

–              Đấu giá quyền sử dụng đất.

–              Chế độ phân loại và sử dụng các loại đất.

–              Các thủ tục hành chính về đất đai.

b)Tranh chấp về đất đai trong quan hệ giữa những người sử dụng đất với nhau:

Các loại tranh chấp đất đai này bao gồm:

–              Tranh chấp đất đai phát sinh từ các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình (thừa kế, ly hôn, v.v.).

–              Tranh chấp đất đai phát sinh từ quan hệ giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất (chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, v.v.).

–              Tranh chấp về lấn chiếm đất, ranh giới đất, cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn trên đất.

–              Tranh chấp quyền về lối đi qua thửa đất liền kề.

–              Tranh chấp về đất đai liên quan đến tiêu nước, tưới nước trong canh tác, cấp, thoát nước, cấp khí gas, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác.

–              Tranh chấp đất đai trong thực hiện các dự án bất động sản nhà ở thương mại, nhà ở xã hội (tranh chấp liên quan đến tài sản hình thành trong tương lai).

–              Tranh chấp đất đai trong chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư bất động sản có quyền sử dụng đất.

–              Tranh chấp đất đai trong các hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tín dụng có cầm cố, thế chấp quyền sử dụng đất, có đăng ký giao dịch bảo đảm.

–              Tranh chấp đất đai trong quá trình thi hành án đối với bản án dân sự, đối với bản án hành chính và đối với bản án hình sự có liên quan đến đất đai, quyền sử dụng đất, v.v..

–              Tranh chấp tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong trường hợp đất bị thu hồi để thực hiện dự án.

–              Tranh chấp liên quan đến góp vốn bằng quyền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất.

–              Tranh chấp liên quan đến bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất.

–              Tranh chấp về việc nhận đứng tên dùm quyền sử dụng đất.

–              Tranh chấp chấm dứt quyền đối với bất động sản liền kề.