Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử

Trong các vụ án hình sự, luật sư Tân Bình bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo.

Tăng cường tranh tụng trong hoạt động tố tụng hình sự là tư tưởng mang tính đột phá, xuyên suốt trong nội dung đổi mới, hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự Việt Nam và được xác định là một trong những vấn đề quan trọng nhất của cải cách tư pháp, được thể hiện rõ nét trong các Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, là giải pháp quan trọng, tạo những bước cải cách có tính đột phá trong hoạt động tố tụng hình sự. Việc quy định nguyên tắc này trong Bộ luật tố tụng hình sự đã tạo cơ hội mở rộng và tăng cường hơn nữa môi trường dân chủ, công khai, công bằng của quá trình giải quyết vụ án hình sự; thiết lập các cơ chế để bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người, bảo đảm quyền dân chủ cho bị can, bị cáo, người đại diện của họ; mở ra các khả năng và điều kiện tốt nhất để người bào chữa tham gia, giúp quá trình giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, triệt để, vô tư; bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc lưu tâm những vấn đề thuộc về nhận thức nêu trên sẽ giúp Luật sư ứng xử, thực hiện các kỹ năng hành nghề phù hợp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có nghĩa vụ thông báo, giải thích, bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Theo khoản 2 Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, việc này phải được ghi vào biên bản. Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý hiện hành thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Việc thông báo, giải thích phải ghi vào biên bản như được quy định tại Điều 71 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Việc bảo đảm quyền của người bị buộc tội còn thể hiện thông qua trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc thông báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia theo quy định tại Điều 79 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Trong trường hợp người bào chữa đã được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước mà không có mặt và sự vắng mặt này không vì lý do bất khả kháng, hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập lần thứ hai mà tiếp tục vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử theo quy định tại Điều 291 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Nhằm cụ thể hóa và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được quy định tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định chi tiết nội dung của nguyên tắc quan trọng này tại Điều 26. Cụ thể: Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, người bị buộc tội, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án hình sự do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án. Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.