Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án tranh chấp đất đai
Giấy tờ đất đai dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua các thời kỳ:
– Thời kỳ từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 1980:
Trong thời kỳ này, giấy tờ đất đai chủ yếu liên quan đến cuộc cải cách ruộng đất từ năm 1957, Nhà nước tịch thu đất của địa chủ chia cho dân nghèo. Tiếp theo đó là giấy tờ đất đai liên quan đến phong trào hợp tác hóa sản xuất nông nghiệp từ đầu những năm 1960 cho đến năm 1979 (Hợp tác xã và tập đoàn sản xuất).
Thời kỳ này, theo Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, có 03 hình thức sở hữu đất đai, bao gồm: Sở hữu cá nhân, sở hữu tập thể và sở hữu toàn dân (Điều thứ 12 Hiến pháp năm 1946; Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16 Hiến pháp năm 1959).
Giấy tờ đất đai được thể hiện qua sổ mục kê kiểm thống kê ruộng đất và bản đồ giải thửa. Tên người sử dụng đất trên sổ sách chỉ phản ánh theo hiện trạng, không căn cứ trên cơ sở pháp lý và lịch sử sử dụng đất.
– Thời kỳ từ ngày 18-12-1980 (ngày Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1980) đến năm 1987:
Thời kỳ này đánh dấu bước ngoặt về đất đai được quy định tại Điều 19 và Điều 20 Hiến pháp năm 1980, theo đó, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất và được hưởng thành quả lao động trên đất.
Thời kỳ này việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được thực hiện.
Việc đăng ký đất đai được Nhà nước quan tâm và tổ chức thực hiện theo Quyết định số 201/CP ngày 01-7-1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước, theo Chỉ thị số 299/TTg ngày 10-11-1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất trong cả nước và theo Quyết định số 56/ĐKTK ngày 05-11-1981 của Tổng cục Quản lý ruộng đất quy định về thủ tục đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước.
Chỉ thị số 299/TTg nói trên được triển khai thực hiện trên cả nước từ năm 1981 đến cuối năm 1988, các giấy tờ về đất đai thời điểm này hầu hết để cho dân tự khai.
Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất:
Giấy tờ đất đai của chế độ cũ cấp có rất nhiều loại. Nói chung, đây là các loại giấy tờ về đất đai trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Hiện nay, trong các vụ án tranh chấp về đất đai còn tồn tại các loại giấy tờ như sau:
- Giấy tờ đất đai theo sổ địa bạ lập vào thời Gia Long (năm 1806) còn lưu giữ tại một số nơi ở các tỉnh phía Bắc, các tỉnh miền Trung, ghi rõ đất công hay đất tư, nếu đất tư thì ghi đất của ai, diện tích, tứ cận.
- Giấy tờ đất đai theo sổ điền bộ, địa bộ thời Minh Mạng (năm 1936) thành lập tại các tỉnh ở phía Nam.
- Giấy tờ đất đai thời Pháp thuộc trải qua các chế độ về đất đai bao gồm chế độ điền thổ và tân điền thổ (năm 1925) tại Nam Kỳ, chế độ quản thủ địa chánh tại Trung Kỳ, chế độ điền thổ quản thủ địa chính tại Bắc kỳ thể hiện qua các trích lục trích sao địa bộ, địa chính, kèm theo bản đồ, biên bản phân ranh do các ty địa chính, sở địa chính cấp.
- Giấy tờ đất đai ở các tỉnh phía Nam thời Việt Nam Cộng hòa được cấp theo chế độ tân điền thổ theo Sắc lệnh điền thổ năm 1925, chế độ quản thủ địa bộ, quản thủ địa chính gọi chung là chế độ quản thủ điền địa. Ngoài ra, còn có các giấy tờ liên quan đến Luật người cày có ruộng năm 1970, quy định về truất hữu ruộng đất.
Các giấy tờ đất đai thời kỳ này bao gồm Bằng khoán điền thổ, Trích lục địa bổ, Trích lục điền bộ, giấy tờ về đất đai cấp cho nông dân theo Luật người cày có ruộng. Nhìn chung, các sổ bộ, tài liệu về đất đai của cơ quan có thẩm quyền của chế độ cũ chia làm 02 nhóm: Nhóm lập theo thứ tự thửa đất và nhóm lập theo thứ tự tên người sử dụng đất.