Luật sư quận Tân Bình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phát triển của quý công ty
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, ngoài những đặc điểm giống với hợp đồng mua bán trong nước, còn có một số đặc điểm riêng biệt như sau:
a) Khách thể:
Khách thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là những lợi ích mà hai bên hướng tới khi thực hiện giao kết hợp đồng, chẳng hạn như hàng hóa, tiền, các lợi ích có được từ việc sử dụng hàng hóa đó.
b) Chủ thể:
Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là các bên có trụ sở tại các quốc gia khác nhau. Chủ thể có đầy đủ năng lực hành vi dân sự là một trong những điều kiện để hợp đồng có hiệu lực.
c) Đối tượng của hợp đồng:
Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là động sản, nghĩa là hàng hóa không bị cấm lưu thông trên thị trường và di chuyển được qua biên giới quốc gia.
d) Đồng tiền thanh toán:
Tiền tệ dùng để thanh toán hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là ngoại tệ với một trong hai bên tham gia hợp đồng hoặc có thể là ngoại tệ đối với cả hai bên.
đ) Ngôn ngữ của hợp đồng:
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được viết bằng ngoại ngữ đối với một trong hai bên hoặc ngoại ngữ đối với cả hai bên. Hiện nay, phần lớn các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được viết bằng tiếng Anh, vì vậy, các bên khi giao kết hợp đồng phải hiểu rõ và thống nhất ý nghĩa những thuật ngữ quan trọng của hợp đồng.
e) Nội dung:
Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là các quy định do các bên thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng. Nghĩa vụ cơ bản của bên bán là giao hàng đúng thời gian, địa điểm, còn của bên mua là nhận hàng và thanh toán.
g) Hình thức:
Bên cạnh Điều 24 quy định về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung, khoản 2 Điều 27 Luật thương mại năm 2005 quy định cụ thể về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là văn bản hoặc các hình thức pháp lý khác tương đương (bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật). Từ đó, có thể thấy, theo pháp luật Việt Nam, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được thể hiện bằng văn bản. Ở nhiều quốc gia khác, pháp luật không quy định hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được lập thành văn bản mà có thể được giao kết bằng lời nói hay hành vi. CISG cũng không yêu cầu hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được lập thành văn bản, mà có thể được lập dưới dạng lời nói hoặc thậm chí được công nhận khi có nhân chứng1.
h) Nơi giao kết hợp đồng:
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được giao kết tại nước ngoài đối với một trong hai bên, có thể là tại nước của người bán hoặc nước của người mua hoặc là một nước thứ ba.
Dựa vào những yếu tố trên, có thể thấy, với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì các bên giao kết hợp đồng rất dễ gặp phải các rủi ro như xung đột pháp luật giữa các bên thực hiện hợp đồng hoặc các rủi ro khác trong quá trình vận chuyển, thanh toán, v.v., dẫn đến những tranh chấp. Chính vì thế, khi giao kết hợp đồng, các bên cần cân nhắc kỹ lưỡng để soạn thảo ra một bản hợp đồng chi tiết và rõ ràng, tránh những rủi ro trong tương lai.
1. Điều 11 CISG. |