Các loại giao dịch bất động sản dân sự phổ biến

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án tranh chấp đất đai

Giao dịch đối với nhà ở:

  • Mua bán nhà ở: Là việc chủ sở hữu nhà ở bán nhà ở. Theo đó, chủ sở hữu có nghĩa vụ giao nhà ở cùng các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở đó cho bên mua. Bên mua nhà ở có quyền nhận nhà ở và nghĩa vụ trả tiền cho bên bán theo phương thức mà các bên đã thỏa thuận.
  • Cho thuê nhà : Là việc chủ sở hữu nhà ở, người có quyền sử dụng nhà ở cho phép bên thuê được sử dụng nhà ở của mình trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
  • Tặng cho nhà ở: Là việc chủ sở hữu nhà ở chuyển giao quyền sở hữu nhà ở của mình cho người khác trên cơ sở hợp đồng không đền bù, tức người nhận tặng cho không phải thanh toán bất kỳ khoản tiền nào cho người tặng cho.
  • Đổi nhà : Là việc các chủ sở hữu nhà ở chuyển đổi quyền sở hữu nhà ở cho nhau để thuận tiện cho việc sinh sống.
  • Thừa kế nhà : Là việc một cá nhân thực hiện quyền định đoạt của mình đối với nhà ở sau khi chết, nhằm để lại nhà ở của mình cho người thừa kế hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
  • Thế chấp nhà ở: Là việc chủ sở hữu nhà ở dùng nhà ở của mình làm tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ dân sự và không giao quyền sở hữu nhà ở cho bên nhận thế chấp.
  • Góp vốn bằng nhà : Là việc chủ sở hữu nhà ở thực hiện việc góp vốn bằng nhà ở của mình để tham gia hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
  • Cho mượn, cho nhờ nhà : Là việc chủ sở hữu nhà ở cho người khác mượn, ở nhờ nhà ở của mình trong một thời gian. Người mượn, ở nhờ không phải thanh toán bất kỳ khoản tiền nào.
  • Ủy quyền quản lý nhà ở: Là việc chủ sở hữu nhà ở ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở trong việc quản lý, sử dụng nhà ở trong thời hạn được ủy quyền. Việc ủy quyền quản lý nhà ở chỉ được thực hiện đối với nhà ở có sẵn.

Giao dịch đối với quyền sử dụng đất

  • Chuyển đổi quyền sử dụng đất: Là việc cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn cho hộ gia đình, cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
  • Chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Là việc chủ sở hữu quyền sử dụng đất chuyển giao quyền sử dụng đất của mình cho người khác trên cơ sở hợp đồng có đền bù. Theo đó, chủ sở hữu chuyển quyền sử dụng đất cho bên mua và bên mua trả tiền cho chủ sở hữu.
  • Cho thuê quyền sử dụng đất: Là việc chủ sở hữu quyền sử dụng đất thỏa thuận giao quyền sử dụng đất của mình cho bên thuê để bên thuê sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
  • Cho thuê lại quyền sử dụng đất: Là việc bên thuê quyền sử dụng đất, dưới sự đồng ý của người sử dụng đất, dùng quyền sử dụng đất mình đang thuê, cho bên thuê lại thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê lại phải trả tiền thuê.
  • Thừa kế quyền sử dụng đất: Là việc một cá nhân định đoạt tài sản của mình sau khi chết, cụ thể là quyền sử dụng đất, nhằm để lại tài sản của mình cho người thừa kế hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
  • Tặng cho quyền sử dụng đất: Là việc chủ sở hữu quyền sử dụng đất chuyển giao quyền sử dụng đất của mình cho người khác trên cơ sở hợp đồng không đền bù. Theo đó, bên tặng cho giao quyền sử dụng đất của mình và chuyển quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
  • Thế chấp quyền sử dụng đất: Là việc chủ sở hữu quyền sử dụng đất dùng giá trị quyền sử dụng đất của mình làm tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ dân sự mà không giao quyền sử dụng đất cho bên nhận thế chấp.
  • Góp vốn bằng quyền sử dụng đất: Là việc chủ sở hữu quyền sử dụng đất dùng giá trị quyền sử dụng đất của mình làm tài sản góp vốn vào doanh nghiệp.