Các biện pháp áp dụng tội phạm chưa thành niên

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tội phạm chưa thành niên

BLTTHS năm 2015 đã quy định chặt chẽ về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp tạm giam đối với người chưa thành niên.

+ Theo Điều 419 BLTTHS năm 2015, các biện pháp ngăn chặn chỉ được áp dụng với người chưa thành niên trong trường hợp “thật cần thiết” và việc áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với nhóm đối tượng này chỉ được thực hiện “khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả”. Điều 419 cũng quy định các căn cứ cụ thể để áp dụng biện pháp tạm giam đối với người chưa thành niên. Theo đó, điều kiện để áp dụng biện pháp tạm giam với hai nhóm là người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi và người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là khác nhau.

    Đồng thời, về mặt thời hạn, Điều luật này cũng quy định một thời hạn tạm giam đối với người chưa thành niên ngắn hơn so với người đã thành niên, cụ thể, “Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên quy định tại Bộ luật này”.

“Ðiều 419. Áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế

1. Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết.

Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên quy định tại Bộ luật này. Khi không còn căn cứ để tạm giữ, tạm giam thì cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này.

3. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này.

4. Đối với bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm thì có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

5. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, người ra lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi phải thông báo cho người đại diện của họ biết”.

 Về các biện pháp thay thế tạm giam, BLTTHS năm 2015 quy định hai biện pháp nhằm thay thế cho biện pháp tạm giam là bảo lĩnh và đặt tiền để đảm bảo (được áp dụng đối với không chỉ người chưa thành niên mà còn áp dụng đối với người bị buộc tội nói chung). Theo đó, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh hay đặt tiền để đảm bảo nhằm thay thế cho biện pháp tạm giam.

   BLTTHS năm 2015 còn quy định biện pháp đặc thù đối với người chưa thành niên, đó là biện pháp giám sát. Theo Điều 418 BLTTHS 2015, “Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể ra quyết định giao người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cho người đại diện của họ giám sát để bảo đảm sự có mặt của họ khi có giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người được giao nhiệm vụ giám sát có nghĩa vụ giám sát chặt chẽ người dưới 18 tuổi, theo dõi tư cách, đạo đức và giáo dục người đó”.