Luật sư quận Tân Bình tư vấn pháp lý doanh nghiệp thương mại quốc tế
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (còn được gọi là hợp đồng mua bán ngoại thương hoặc hợp đồng xuất nhập khẩu ở Việt Nam) là hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất quốc tế, trong đó người bán có nghĩa vụ giao hàng còn người mua có nghĩa vụ thanh toán và nhận hàng. Cách nhìn nhận về tính quốc tế trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của các quốc gia khác nhau không giống nhau.
Ở Pháp, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được xác định dựa trên hai tiêu chí là kinh tế và pháp lý. Theo tiêu chuẩn kinh tế, một hợp đồng quốc tế là hợp đồng tạo ra sự di chuyển qua lại biên giới các giá trị trao đổi tương ứng giữa hai nước (thể hiện quyền lợi thương mại quốc tế). Theo tiêu chuẩn pháp lý, một hợp đồng được coi là quốc tế nếu nó bị chi phối bởi các tiêu chuẩn pháp lý của nhiều quốc gia như quốc tịch của các bên, nơi cư trú của các bên, nơi thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, nguồn vốn thanh toán1. Có thể thấy, pháp luật Pháp không chú trọng đến tiêu chí trụ sở thương mại của các bên.
Quan điểm của Hoa Kỳ về tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện qua Bộ luật thống nhất thương mại (Uniform commercial code – UCC). Theo UCC, giao dịch quốc tế là giao dịch trong mối liên hệ hợp lý với một quốc gia khác Hợp chúng quốc Hoa Kỳ2. Như vậy, Hoa Kỳ coi trụ sở thương mại của các bên tham gia giao dịch là tiêu chí đánh giá tính quốc tế của một giao dịch, trong đó, có thể suy ra, hợp đồng mua bán hàng hóa sẽ là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nếu bên mua và bên bán có trụ sở giao dịch ở hai nước khác nhau.
Các điều ước quốc tế cũng đưa ra những cách hiểu khác nhau về tính chất quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo Công ước La Hay năm 1964 về thiết lập hợp đồng mua bán quốc tế các động sản hữu hình, tính chất quốc tế được thể hiện ở các yếu tố như được liệt kê trong Điều 1 của Công ước này, ví dụ như vật là đối tượng của hợp đồng đang được chuyên chở hoặc sẽ được chuyên chở từ lãnh thổ quốc gia này sang lãnh thổ quốc gia khác; hành vi tạo lập chào hàng và chấp nhận chào hàng được thực hiện trên lãnh thổ các quốc gia khác nhau; hoặc khi việc giao hàng diễn ra trên lãnh thổ của nước thành viên khác với nước mà ở đó các hành vi tạo lập chào hàng và chấp nhận chào hàng được thực hiện. Nếu các bên giao kết không có trụ sở thương mại thì sẽ dựa vào nơi cư trú thường xuyên của họ.
Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên hợp quốc năm 1980 (United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods – CISG) đã đưa ra cách xác định khác về tính chất quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa, theo đó nếu các bên giao kết hợp đồng mua bán có trụ sở thương mại đặt ở các nước thành viên khác nhau thì hợp đồng đó có tính chất quốc tế3. Không như Công ước La Hay năm 1964, CISG không đưa ra tiêu chí hàng hóa phải được chuyển qua biên giới của một nước để xác định tính chất quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa.
Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế (Principles of International Commercial Contract – PICC) năm 2004 không nhấn mạnh tiêu chí nào trong các tiêu chí như trụ sở của các bên hay như việc hợp đồng có “các mối liên hệ mật thiết với hơn một quốc gia” hay hợp đồng “đòi hỏi sự lựa chọn giữa pháp luật của các quốc gia khác nhau” mà quan niệm rằng “các hợp đồng quốc tế cần được giải thích theo nghĩa rộng nhất có thể, chỉ loại trừ những trường hợp không có bất kỳ một yếu tố quốc tế nào, nghĩa là khi tất cả các yếu tố cơ bản của hợp đồng chỉ liên quan đến một quốc gia”1.
Tại Việt Nam, Luật thương mại năm 2005 không quy định khái niệm cụ thể về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nhưng có quy định về các hình thức mua bán hàng hóa quốc tế tại khoản 1 Điều 27. Từ quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa trong Luật thương mại năm 2005, có thể thấy, điểm chủ yếu để xác định tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa là sự chuyển dịch hàng hóa qua biên giới quốc gia. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 4 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại năm 2005 và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự” nên việc xác định tính quốc tế của hợp đồng mua bán phải dựa vào cả Bộ luật dân sự, cụ thể là quy định tại Điều 758 Bộ luật dân sự năm 2005 và nay là Điều 663 Bộ luật dân sự năm 2015. Từ đó có thể suy ra rằng, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo pháp luật Việt Nam là hợp đồng mua bán hàng hóa, trong đó có ít nhất một bên tham gia là cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ hợp đồng theo pháp luật nước ngoài hoặc đối tượng của hợp đồng được chuyển dịch qua biên giới quốc gia.