Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Nội dung vụ án

Trước đây, Tổ hợp tác Thuỷ sản P có diện tích đất trồng dừa 2.210m2 thuộc thửa đất số 249 tại xã A, huyện T, tỉnh Y. Năm 1996, thực hiện Nghị định 64/CP của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân huyện T tiến hành lấy thửa đất 249 giao cho ba hộ: Ông P diện tích 903m2, ông T diện tích 800m2, ông S diện tích 507m2. Năm 1997, ông G (cha ông S) và ông S chuyển nhượng một phần diện tích đất trong thửa đất số 249 cho ông Tr và ông Th. Ông T và ông P cho rằng việc ông S chuyển nhượng đất như trên là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến lợi ích chính đáng của các ông. Ông S cho rằng thửa đất số 249 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông.

Quá trình giải quyết vụ án

– Bản án dân sự sơ thẩm ngày 26/8/2022 của Toà án nhân dân tỉnh Y, quyết định:

“…Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông P về việc đòi ông S trả lại diện tích đất 690m2 thuộc thửa 249B, tờ bản đồ 03, có giới cận: Đông giáp đường đi bê tông, Tây giáp đất ông A, Nam giáp đất ông Tr, Bắc giáp đất ông T tại thôn M, xã A, huyện T, tỉnh Y.

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông T về việc đòi ông S trả lại diện tích đất diện tích đất 587,3m thuộc thửa 249B, tờ bản đồ 03, có giới cận: Đông giáp đường đi bê tông, Tây giáp đất ông A, Nam giáp đất ông P, Bắc giáp đường đi nội bộ tại thôn M, xã A, huyện T, tỉnh Y.

Chấp nhận yêu cầu phản tổ của bị đơn ông S.

Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện T cấp cho ông P đối với thửa đất 249B, tờ bản đồ 03 diện tích 903m tại thôn M, xã A, huyện T tỉnh Y.

Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện T cấp cho ông T đối với thửa đất 249B, tờ bản đồ 03, diện tích 800m2 tại thôn M, xã A, huyện T, tỉnh Y…”.

– Ngày 09/9/2022, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Y ban hành Quyết định kháng nghị số 1222/QĐ-VKS-DS với nội dung kháng nghị toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm đề nghị sửa bản án sơ thẩm.

– Bản án phúc thẩm ngày 29/3/2023 của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, quyết định:

“…Chấp nhận kháng cáo của ông P, ông T và Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Y. Sửa toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm ngày 26/8/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Y.

Tuyên xử:

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông P và ông T:

1.1. Buộc bị đơn ông S trả lại cho ông P diện tích đất 690m2 thuộc thửa 249B, tờ bản đồ 03, có giới cận: Đông giáp đường đi bê tông, Tây giáp đất ông A. Nam giáp đất ông Tr, Bắc giáp đất ông T tại thôn M, xã A, huyện T, tỉnh Y.

1.2. Buộc bị đơn ông S trả lại cho ông T diện tích đất diện tích đất 587,3m thuộc thửa 249B, tờ bản đồ 03, có giới cận: Đông giáp đường đi bê tông, Tây giáp đất ông A, Nam giáp đất ông P, Bắc giáp đường đi nội bộ tại thôn M, xã A, huyện T, tỉnh Y.

1.3. Buộc nguyên đơn ông P hoàn trả cho bị đơn ông S giá trị cây trồng trên đất tương ứng với số tiền 12.840.000₫

1.4. Buộc nguyên đơn ông T hoàn trả cho bị đơn ông S giá trị cây trồng trên đất tương ứng với số tiền 8.050.000đ…”

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Nguồn gốc thửa đất số 249 là của ông G, bà T (cha mẹ ông S) đưa vào Hợp tác xã thủy sản P vào năm 1979. Hợp tác xã cho Tổ thủy sản là đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng thửa đất này cho đến năm 1991. Đến ngày 21/6/1991, Tổ thủy sản P lập Biên bản bán 67 cây dừa trên thửa đất này cho ông G với giá 536.000đ.

Năm 1996, thực hiện chính sách đất đai theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, UBND xã A và UBND huyện T đã cân đối giao đất cho ba hộ, gồm: Hộ ông P diện tích 903m, hộ ông T diện tích 800m và hộ ông S diện tích 507m. Các hộ được giao đất nêu trên đã được Uỷ ban nhân dân huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Điều 21, khoản 6 Điều 73 Luật Đất đai năm 1993 để xác định Nhà nước chưa có quyết định thu hồi đối với ông G, bà T nên việc cấp các giấy chứng nhận cho hộ ông P, hộ ông T và hộ S là vi phạm pháp luật là không căn cứ. Bởi lẽ: Theo Ủy ban nhân dân huyện T trình bày: Nguyên thửa đất số 249 theo bản đồ 299/TTg đo đạc năm 1995 trước đây thuộc của Tổ thủy sản xã quản lý, tổ thủy sản đã trồng toàn bộ cây dừa trên thửa đất này. Sau khi kinh doanh không hiệu quả nên tổ thủy sản giải thể (chuyển nhượng thành quả lao động trên đất). Năm 1996, thực hiện Nghị định 64/CP ngày 17/9/1993 thì Tổ thủy sản bản giao toàn bộ đất lại cho Uỷ ban nhân dân xã A quản lý và trên cơ sở đó Uỷ ban nhân dân xã A tiến hành rà soát, điều tra nhân khẩu trong hộ theo quy định, đồng thời tính cân đối diện tích đất theo hạn mức giao cho từng nhân khẩu trong hộ gia đình. Trên cơ sở đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất của ông T, ông P, ông S thì thửa 249 được cân đối cho các ông, theo giấy tờ hồ sơ đã lập có biên bản giao mốc thực địa ngày 14/6/1996. Như vậy, ông G, bà T chỉ nhận chuyển nhượng 67 cây dừa trên đất không phải nhận chuyển nhượng đất từ Hợp tác xã. Và thực tế khi nhà nước giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ ông P, hộ ông T và hộ ông S thì ông S đã biết rõ mình được cấp phần diện tích 507m chứ không phải toàn bộ diện tích 2.210m2 nhưng vẫn không có ý kiến gì về việc cấp đất. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đúng quy định của pháp luật ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn ông P và ông T.

Trên đây là vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” bị cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm.