Luật sư Tân Bình bào chữa bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự
Việc bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện các quyền và nghĩa vụ, trong đó có quyền được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục; quyền không buộc phải chứng minh là mình vô tội; quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc nhận mình có tội; tự bào chữa, nhờ người bào chữa, v.v., đã được thể hiện trong nhiều quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể:
Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã có quyền được nghe, nhận lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định truy nã; được biết lý do mình bị giữ, bị bắt; được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; được trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tố tụng kiểm tra, đánh giá; tự bào chữa, nhờ người bào chữa, khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giữ người, bắt người (Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, ngoài các quyền liên quan việc thông báo các quyết định và lý do bị tạm giữ, bị bắt tạm giam, còn được trình bày lời khai, trình bày ý kiến và không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; tự bào chữa, nhờ người bào chữa, v.v.. (Điều 59, 60, 61 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Quan trọng hơn, Điều 98 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”. Như vậy, ngay cả trong trường hợp bị can, bị cáo nhận tội vì bất cứ lý do gì, nhưng lời nhận tội đó không phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án thì các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng không đủ căn cứ buộc tội, kết tội bị can, bị cáo.