Bạn đang gặp khó khăn trong kê khai di sản thừa kế hoặc tranh chấp di sản thừa kế. Bạn đang tìm luật sư lĩnh vực thừa kế uy tín ở quận Tân Bình giúp bạn giải quyết những vấn đề liên quan di sản thừa kế. Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng giúp khách hàng giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và công bằng nhất có thể, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Điều kiện để Tòa án thụ lý đơn khởi kiện về thừa kế tài sản
Để xem xét đơn khởi kiện về thừa kế tài sản có đủ điều kiện để thụ lý hay không cần lưu ý các vấn đề chính sau đây:
– Kiểm tra về thẩm quyền giải quyết: xem Tòa án mình đang làm việc có thẩm quyền giải quyết đối với vụ án dân sự về thừa kế tài sản hay không? Nếu vụ án thuộc thẩm quyền của mình thì tiến hành thụ lý vụ án. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án khác thì chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện biết. Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
– Về điều kiện tiền tố tụng: Nếu như trước đây, vụ án về thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất, Tòa án chỉ thụ lý vụ án khi tranh chấp đó đã được hòa giải ở xã, phường, thị trấn. Hiện nay theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất không phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn nơi có đất tranh chấp. Như vậy, từ ngày 01/7/2013, Tòa án không cần phải xem xét đến điều kiện tiền tố tụng trước khi thụ lý vụ án.
– Kiểm tra về hình thức, nội dung đơn khởi kiện: hình thức, nội dung đơn khởi kiện về thừa kế tài sản phải tuân theo quy định chung được quy định tại Điều 161 BLTTDS và Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP.
– Kiểm tra các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện về thừa kế tài sản: về nguyên tắc khi gửi đơn khởi kiện cho Tòa án, người khởi kiện về thừa kế tài sản phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Các tài liệu cần thiết phải nộp như: giấy khai sinh của người làm đơn (để chứng minh có quan hệ huyết thống với người để lại tài sản thừa kế); giấy khai tử của người để lại tài sản thừa kế (để chứng minh thời điểm mở thừa kế); trường hợp thừa kế thế vị thì ngoài giấy khai tử của ông bà thì còn phải nộp giấy khai tử của cha mẹ người xin thừa kế thế vị; giấy tờ xác nhận tài sản của người chết (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe ô tô, xe máy; giấy chứng nhận cổ phiếu…).
Cần lưu ý là kể từ ngày 01/01/2012 trở đi (ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS có hiệu lực) khi nhận đơn khởi kiện Tòa án không được trả lại đơn khởi kiện cho đương sự vì lý do đã hết thời hiệu khởi kiện như trước khi BLTTDS được sửa đổi; trường hợp nếu đơn có đủ những điều kiện thụ lý thì phải thụ lý, trong quá trình chuẩn bị xét xử nếu xét thấy hết thời hiệu khởi kiện thì áp dụng điểm h khoản 1 Điều 192 để đình chỉ giải quyết vụ án.
Về thời hiệu khởi kiện
1. Thu thập chứng cứ về thời hiệu khởi kiện, cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 161 BLDS 2005 về “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan” và trường hợp chưa có người đại diện trong trường hợp người khởi kiện phải có người đại diện.
– Quy định về không tính vào thời hiệu khởi kiện trong thời gian từ 01/7/1996 đến 01/01/1999 là 2 năm 6 tháng đối với trường hợp thừa kế là nhà ở có thời điểm mở thừa kế trước 01/7/1991 theo Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10.
– Quy định về không tính vào thời hiệu khởi kiện trong thời gian từ 01/7/1996 đến 01/9/2006 đối với trường hợp thừa kế là nhà ở có thời điểm mở thừa kế trước 01/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia theo Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11.
– Quy định về không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế theo tiểu mục 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP.
Việc thu thập chứng cứ để xác định thời hiệu có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu còn thời hiệu khởi kiện về thừa kế tài sản thì Tòa án mới có quyền phân chia di sản; trường hợp hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa án cấp sơ thẩm phải đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 192 BLTTDS; nếu hết thời hiệu mà Tòa án cấp sơ thẩm vẫn giải quyết thì Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
2. Thu thập chứng cứ: BLDS 2005 (các Điều 679, 680 và 683); BLTTDS (các Điều 5, 6, các Điều từ 79 đến 98); Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, 1986, 2000
– Giấy khai sinh, giấy chứng tử, sổ hộ khẩu, bản khai lý lịch: thu thập các chứng cứ này để xác định quan hệ huyết thống; xác định thời điểm mở thừa kế, thời điềm phát sinh quyền khởi kiện; hàng thừa kế, diện thừa kế.
– Thu thập chứng cứ về di sản: Theo Điều 634 BLDS thì di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác. Theo Điều 163 BLDS thì tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Như vậy, di sản thuộc sở hữu riêng của người chết bao gồm: các tư liệu sinh hoạt, tiền, vàng, bạc, nhà ở, vốn cổ phần, tư liệu sản xuất mà người đó sử dụng để tiến hành sản xuất kinh doanh, thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc vốn góp vào công ty. Di sản thuộc sở hữu chung với người khác như phần được tặng cho chung, được thừa kế chung hoặc cùng mua chung với người khác, hoặc tài sản thuộc sở hữu chung vợ chồng.
– Thu thập chứng cứ về một số nghĩa vụ của người để lại di sản để xác định đúng di sản:
+ Thu thập chứng cứ về nghĩa vụ trả nợ mà người chết để lại: cần xem xét các chủ nợ của người chết có yêu cầu thanh toán các khoản nợ hay không? Nếu họ yêu cầu và đóng tiền tạm ứng án phí thì xem xét trong cùng vụ án? Nếu họ chưa yêu cầu thì trước mắt tạm trích một phần di sản tương ứng với khoản nợ để tạm giao cho một trong các đồng thừa kế quản lý; khi nào họ đòi thì sẽ lấy phần đó ra trả (lưu ý là thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế).
+ Thu thập chứng cứ để xác định chi phí cho tang lễ và sau tang lễ của người để lại di sản: các chi phí hợp lý thực tế theo phong tục của địa phương đã được chi phí phục vụ cho tang lễ của người chết và những chi phí sau tang lễ như bốc mộ, xây mộ…
+ Thu thập chứng cứ xác định chi phí bảo quản di sản, công sức của những người liên quan đến di sản đang tranh chấp: chi phí thuê người trông nom di sản, bảo vệ di sản, quản lý di sản, giữ gìn giá trị của di sản…
– Thu thập chứng cứ trong trường hợp di sản là bất động sản:
Cần xem người chết để lại những bất động sản nào? Giấy tờ về bất động sản; có ai đồng sở hữu bất động sản đó không? đo vẽ kích thước, diện tích, đặc điểm… của bất động sản; xác định giá trị của bất động sản; xem xét có thể chia hiện vật cho các đồng thừa kế hay không.
Sơ đồ nhà đất phải chi tiết, cụ thể, rõ ràng, tránh những cách hiểu khác nhau về vị trí, mốc giới.
Về định giá phải tuân thủ Điều 92 BLTTDS về thành phần Hội đồng định giá; giá trị tài sản do Hội đồng định giá quyết định phải theo giá thị trường giao dịch thực tế tại địa phương (tránh các sai sót như xác định giá theo khung giá; định giá nhưng không theo giá thị trường khi đương sự có yêu cầu; hoặc xét xử năm 2012, nhưng lại lấy giá từ năm 2005 mà không có chứng cứ xác định giá năm 2005 và giá năm 2012 là như nhau).
– Thu thập chứng cứ về di chúc: trường hợp đương sự đề nghị phân chia di sản theo di chúc thì Tòa án cần thu thập chứng cứ về di chúc để xác định di chúc đó có hợp pháp hay không? Hợp pháp một phần hay toàn bộ…
Cần lưu ý là nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự. Do đó nguyên đơn khởi kiện phải đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình có căn cứ và hợp pháp. Bị đơn phản đối yêu cầu của nguyên đơn phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải chứng minh về yêu cầu độc lập của mình, về nguyên tắc đương sự phải có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó. Tuy nhiên các chứng cứ của đương sự đưa ra thường không đầy đủ hoặc có nhiều mâu thuẫn nên vai trò thu thập chứng cứ của Tòa án theo trình tự, thủ tục BLTTDS quy định (Điều 81 BLTTDS) là hết sức quan trọng. Nhiều Tòa án không đề cao vai trò thu thập chứng cứ của Tòa án nên không làm rõ được sự thật của vụ án.